Sunday, August 12, 2012

Kính thủy tinh tự làm sạch


Nếu bề mặt điện thoại di động của bạn được chế tạo bằng kính thủy tinh tự làm sạch, nó sẽ miễn nhiễm nước, bụi và vết bẩn.
Kính thủy tinh của MIT được tạo nên bởi những phần tử hình nón có kích cỡ nano. Loại kính thủy tinh chống bẩn là phát minh mới của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tại Mỹ, Livescience cho biết. Không chỉ ngăn chặn hiện tượng bám dính, nó còn loại trừ hiện tượng phản chiếu ánh sáng. Công thức chế tạo loại kính thủy tinh mới vẫn là một bí mật, song theo trang web của MIT, kính thủy tinh của họ được tạo nên bởi những phần tử hình nón có kích thước nano - nghĩa là đường kính của chúng nhỏ hơn từ 1.000 tới 100.000 lần đường kính của sợi tóc.
Bề mặt chống nước của nhiều vật thể trong tự nhiên - như lá sen - là nguồn cảm hứng để các nhà nghiên cứu của MIT chế tạo thủy tinh chống bám dính. Các tính toán của nhóm nghiên cứu cho thấy, thủy tinh của họ có thể ngăn chặn sự bám dính của sương, nước mưa, phấn hoa và thậm chí cả vết bẩn mà tay người để lại.
Sự ra đời của thủy tinh tự làm sạch là tin vui đối với những công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời. Hiện nay nhiều loại pin năng lượng mặt trời chỉ đạt hiệu suất 60%, nghĩa là chúng chỉ có thể biến 60% lượng ánh sáng mặt trời chiếu tới thành điện. Bụi, những vết bẩn và hiện tượng phản xạ ánh sáng trên bề mặt tấm pin là thủ phạm khiến một phần ánh sáng mặt trời thất thoát. Nếu bề mặt tấm pin năng lượng mặt trời được chế tạo bằng thủy tinh của MIT, lượng ánh sáng mặt trời thất thoát sẽ giảm đáng kể.

Kính thủy tinh của MIT được tạo nên bởi những
phần tử hình nón có kích cỡ nano. (Ảnh: MIT)
Một số chuyên gia cho rằng, nếu chi phí sản xuất được hạ xuống mức đủ thấp, người ta có thể dùng kính thủy tinh chống bẩn và chống chói của MIT để chế tạo màn hình của máy ảnh, điện thoại di động, máy tính bảng và nhiều thiết bị khác.
Tham khảo: Livescience
Theo VNE, Livescience

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Facebook Themes